Thiền và lợi ích của thiền

Đức Phậtngộ đạo ở dưới gốc cây bồ đề nhờ ngài đã ngồi thiền. Cuộc đời của ngài gắn liền với thiên nhiên, với thiền. Lúc mới bảy tuổi ngài đã đắc sơ thiền.

Ấn Độ là xứ sở nông nghiệp. Bây giờ đi Ấn Độ, quý vị có thể thấy cánh đồng cò bay thẳng cánh. Khi xưa vua Tịnh Phạn cũng đi cày ruộng. Khi dự lễ hạ điền, ngài dẫn thái tử Sĩ Đạt Ta đi theo. Khi vua làm lễ, thái tử tìm chỗ thanh vắng ngồi thiền và đắc sơ thiền lúc bảy tuổi. Vua đi tìm con, thấy con ngồi yên tĩnh lặng. Vua đã lạy – cái lạy đầu tiên của một vị vua đầy uy quyền đối với thái tử Sĩ Đạt Ta.

Khi đi tìm đạo, Sĩ Đạt Ta rời bỏ cung vàng, tìm thầy học pháp. Hai vị thầy đầu tiên dạy Sĩ Đạt Ta tu thiền sắc giới. Ngài tập theo pháp này và đắc sơ thiền cho đến tứ thiền. Nhưng ngài tiếp tục đi tìm đạo. Vị thầy thứ hai dạy cho ngài thiền vô sắc, ngài đắc thiền vô sắc nhưng cũng bỏ đi. Sau đó ngài tu khổ hạnh trong cánh rừng già, nay gọi là Khổ Hạnh Lâm. Nhận ra con đường khổ hạnh không giúp ích gì cho giải thoát phiền não, ngài trở lại cội bồ đề ngồi nhìn ra dòng sông Ni Liên thiền. Ngài ngồi thiền định dưới gốc bồ đề 49 ngày đêm và đắc quả vị Phật.

Chữ “ Thiền” trong Phật giáo là jhana tức là tập trung tĩnh lặng. Đức Phật chia hai loại thiền: thiền chỉ và thiền quán. Thiền chỉ có ở các tôn giáo khác. Thiền quán chỉ duy nhất có trong Phật giáo do Đức Phật đã giác ngộ dưới gốc cây bồ đề. Thiền chỉ có 40 đề mục: niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên v.v….

Còn đối tượng của thiền quán là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.

Mục đích của thiền quán là diệt trừ phiền não, không còn tham sân si. Mục đích của thiền chỉ là thành tựu thiền sắc giới và thiền vô sắc.

Định của thiền quán là định của giải thoát, gọi là Sát na định, còn định của thiền chỉ là định tập trung vắng lặng phiền não. Để hành thiền tốt, chúng ta cần phải trải qua những phương pháp căn bản như sau:

Cách ngồi thiền

Hành giả có thể ngồi kiết già, bán già hoặc ngồi trên ghế. Nhưng cách ngồi ưu việt của thiền là ngồi kiết già.

Trong kinh Trung bộ, Đức Phật đã dạy: “ Này các vị tỳ kheo, đây là con đường duy nhất, đưa đến thanh tịnh, diệt khỏi sầu bi, thành tựu chánh trí, chứng ngộ níp bàn, đó là tứ niệm xứ.

Chọn một ngôi nhà trống, một gốc cây ngồi kiết già để tỉnh giác. Thế ngồi kiết già có công dụng chữa bệnh, nó ép các mạch máu để tâm bớt tham và ái dục. Vấn đề chính là khi ngồi kiết già, nếu có thần thông thì bay được. Ngồi bán già không bay được. Ngồi kiết già phải tập luyện công phu. Kiết già trong Phật giáo không dạy đặt chân nào trước, chân nào sau nhưng yoga dạy người nữ bắt chân trái để lên trước, người nam bắt chân phải để lên trước.

Như vậy hai loại thiền quán và thiền chỉ độc lập với nhau. Nhưng chúng ta cũng có thể tu Thiền chỉ quán song tu. Tức là tu thiền chỉ trước và sau đó tu thiền quán

Trong 16 tuệ của Minh Sát, chúng ta thấy phương pháp tu chỉ quán song tu, nghĩa là từ tuệ thứ 1 đến thứ 4 là chỉ quán song tu, từ thứ 5 đến tuệ thứ 16 là thiền quán.

Điều kiện hỗ trợ cho ngồi thiền

1. Có trú xứ thích hợp, thuận lợi cho việc ăn uống đi lại. Người xưa tu thiền ở nơi nào thuận lợi cho việc đi khất thực. Bây giờ là phải gần chợ, gần bệnh viện, chỗ ở thuận lợi, không có côn trùng nhiều.

2. Người phải thích hợp: Có bạn đồng tu để hỗ trợ cho mình.

3.Thầy phải thích hợp: Thầy tốt, có kinh nghiệm, có lòng từ bi. Nhiều khi bị rối trong khi thực tập thiền, bị ngoại cảnh làm cho nặng nề thì thầy sẽ giúp mình gỡ rối, chuyển hóa. Thầy là người phải có thực chứng để dẫn dắt mình đi. Do đó vị thầy tốt rất quan trọng.

4.Thức ăn phải phù hợp: Việc ăn uống cũng phải phù hợp với khẩu vị của mình. Lớn tuổi, đường ruột yếu nên thức ăn phải phù hợp. Đó là những điều kiện phụ nhưng rất cần thiết để thực tập thiền tốt.

5. khí hậu tốt: tức là khí hậu không quá nóng hay không quá lạnh.

Những lợi ích của thiền

– Thiền giúp phát huy sự can đảm để đối phó với sự khó khăn. Người tập lâu thì ngồi dễ dàng, người mới tập sẽ đau, tê, buồn ngủ. Nhưng nếu chấp nhận ngồi thiền sẽ tự vượt qua chính mình. Đó cũng là cách tập luyện tâm linh, giúp ý chí vững vàng. Sau này nếu có khó khăn trong cuộc sống ta dễ dàng vượt qua. Ngồi thiền 4-5 tiếng đồng hồ là bình thường. Ngồi 4 tiếng trở lên sẽ giúp con người có nghị lực. Muốn có hiệu quả cao trong công việc thì sự tập trung phải nhiều. Thiếu tự tin thì thiền sẽ giúp quý vị tự tin. Tự tin sẽ giúp con người thành công trong cuộc sống. Học cao, hiểu rộng nhưng không tự tin dễ thất bại.

Có một vị hòa thượng qua thăm Ấn Độ, cúng dường cho các vị du tăng du học tại đây. Các vị du tăng thỉnh hòa thượng cho lời khuyên. Hòa thượng dí dỏm nói: “ Làm đời tu sĩ muốn thành công thì phải lì và liều.”

Mới nghe qua thấy sốc. Vì các vị du tăng là những người học cao. Nhưng chỉ có lì và liều mới làm được chiến sĩ anh dũng diệt giặc phiền não, mới dám cạo đầu mặc áo cà sa.

– Thiền giúp quý vị biết nhận rõ sự sợ hãi, giúp khắc phục sự sợ hãi trong lòng. Mới sanh con đã sợ con sau này không biết có học giỏi không. Nhiều người sợ quá mà trở thành điên loạn.

Có một người điên vì bị hoang tưởng. Gia đình đưa anh vào bịnh viện điên để chữa bịnh. Một hôm, anh ta xin bác sĩ cho về để sống với vợ con. Bác sĩ kêu tối ngủ nhớ giăng mùng, tối anh điên giăng mùng, tấn mùng xong, nhưng điều lạ là anh không ngủ trong mùng mà lại ngủ dưới đích giường. Ngày hôm sau, Bác sĩ hỏi có giăng mùng ngủ không? Anh ta nói: “Tôi có giăng mùng trước khi ngủ thưa bác sĩ, nhưng tôi không có ngủ trong mùng mà ngủ dưới đích giường. Bác sĩ hỏi tại sao? Anh ta thưa, vì người ngủ giăng mùng là để cho muỗi không cắn. Đối với tôi, giăng mùng để con muỗi lầm tưởng tôi ngủ ở trong mùng, nhưng sự thiệt tôi ngủ dưới đích giường làm sao muối biết mà cắn.” Bác sĩ cười! Vậy là anh ta tiếp tục ở lại nhà thương điên.

Có một cô khùng hoang tưởng nghĩ mình là hột bắp, hễ gặp con gà là bỏ chạy. Khi vào bịnh viện tâm thần, Bác sĩ Tâm lý dạy cô học: “ Tôi là con người, không phải là hột bắp nên tôi không sợ con gà.” Sau một tháng gặp lại, cô nói với bác sĩ là cô hết bệnh rồi, không sợ con gà nữa. Bác sĩ nói vậy là tốt quá. Bác sĩ và cô cùng nhau đi dạo trong vườn, có con gà đi ngang qua, cô liền bỏ chạy. Bác sĩ chạy theo nắm lại hỏi: “ Tại sao chạy?” Cô nói: “ Thưa bác sĩ, Con biết con là con người, không phải là hột bắp nên con không sợ con gà, nhưng khổ nỗi con gà biết con là con người không? Hay con gà tưởng con là hột bắp nó mỗ con chết làm sao thưa bác sĩ!

Con người sợ vì hoang tưởng, hiểu sai. Có những người sống bằng cái tưởng rất cao, hiểu lầm rất cao. Nếu tưởng mạnh quá sẽ bị điên.

Nếu cứ bị thất vọng vì khổ đau, vì thiếu hiểu biết về cuộc đời thì thiền sẽ giúp cho quý vị biết được bản chất thực của đau khổ. Trên cuộc đời ai cũng đầy ắp đau khổ, khổ vì chồng vợ, khổ vì con, khổ vì công việc, khổ vì ganh tỵ, khổ vì muốn mà không được, khố vì chung sống với người mình ghét.

Thiền cũng giúp cho quý vị ý thức bản chất của sự giàu có và phương pháp sử dụng nó để tạo hạnh phúc cho mình và cho người. Thiền giúp con người ý thức được bản chất cuộc đời, biết sống đời sống tri túc. Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố có nói một ý trong bài phát biểu vận động cử tri như sau: “ Cuộc sống của chúng ta muốn có ý nghĩa thì làm việc có phương pháp, nói năng gọn gàng và biết tri túc.”

Nếu giàu mà không thiền thì sẽ hống hách, khinh khi những người nghèo khổ, thấp kém hơn mình. Nếu người nghèo khổ thì thiền giúp cho quý vị không còn tâm đố kỵ với những người chung quanh. Nghèo là do tiền kiếp đố kỵ, bỏn xẻn, không biết bố thí, cúng dường.

Người tu sợ nhân bất thiện không sợ quả bất thiện. Thiền giúp cho người trẻ tuổi biết định hướng con đường đi. Ở các nước Đông Nam Á hoặc ở Âu Mỹ, đã ứng dụng thiền, yoga trong học đường, giúp ta có năng lực tốt có được sự tập trung cao, có định hướng tốt.

Người lớn tuổi thực tập thiền giúp cho quý vị nhận thức được ý nghĩa thâm sâu trong cuộc đời và dần dần an vui trong cuộc sống. Người lớn tuổi khổ vì chồng con nhiều. Lớn tuổi cái tôi càng lớn, dính mắc, cố chấp càng nhiều. “Già sinh tật/ Đất sinh cỏ.” Người già thường cho những gì mình nói là đúng, thường bảo thủ. Thiền giúp cho người lớn tuổi có niềm vui trong cuộc sống, mở tâm từ bi, nhẫn nại, bao dung. Thiền giúp cụ già hòa hợp với giới trẻ, không có hàng rào tuổi tác.

– Nếu là người hay giận hờn, thiền giúp phát huy sức mạnh để chuyển hóa sân hận, phiền não. Khi ngồi tĩnh lặng, người hay giận hờn thấy được bản chất thực của giận hờn là một dạng phiền não.

– Nếu là người ganh tị, thiền giúp hiểu tâm ganh tị cũng là một dạng phiền não, làm con người không thể lớn mạnh trên con đường tu tập.

– Nếu là người nghiện rượu hay ma túy, thiền giúp quý vị khắc phục thói quen nguy hại đó. Những người hút thuốc lá đến mức nghiện, nếu tập thiền sẽ có năng lực, có trí tuệ, có sức mạnh tâm linh thì sẽ dễ dàng từ bỏ thuốc lá.

Thiền có rất nhiều lợi ích trong cuộc sống. Quý vị tập thiền thường xuyên sẽ thấy sự mầu nhiệm trong thiền. Trong những lần kết tập kinh điển, có ngài Nirodha ngồi thiền dưới nước. Chư tăng thỉnh ngài lên tham dự Đại hội kiết tập kinh điển lần thứ 3 và nhiếp phục Ma vương.

Báo chí Ấn Độ từng đưa tin một vị tu nữ ngồi thiền dưới nước. Đối với người thường nếu ngồi cái đầu ngập trong nước thì coi như tiêu nhưng cô tu nữ ngồi như vậy bốn tiếng đồng hồ mà không hề hấn gì. Ngồi thiền giỏi sẽ có thần thông, biết được tâm ý của người khác, biết chuyện qúa khứ, hiên tại, vị lai.

Đức Phật và những đại đệ tử của Phật đều chứng đạo do tham thiền. Phật tử nên tập luyện pháp môn thiền trong cuộc sống. Biết Phật pháp là một chìa khóa. Biết Phật pháp mà không hành thiền thì giống như học mà không hành. Biết đạo mà không biết thiền định thì rất uổng. Quý vị nên dành thời gian cho thiền định. Thiền định là con đường giúp chúng ta quân bình thân và tâm, là phương pháp đi tới giải thoát, an lạc.

Sư chúc quý vị luôn an lạc, đạt được nhiều thiện duyên trong chánh pháp.

NAM MÔ PHẬT PHÁP TĂNG TAM BẢO

Tn Quang Duyên ghi chép

Bình luận trên Facebook