Niết bàn, rùa già và cá

Đời xưa có một con cá. Vì là loài cá cho nên nó sống suốt đời dưới nước và chẳng biết cái gì khác hơn là nước. Một hôm đang bơi trong cái ao thân thuộc, con cá gặp một con rùa quen biết với nó, và con rùa này vừa trở về cái ao sau một chuyến đi chơi trên mặt đất.

Con cá lên tiếng: “Chào ông bạn Rùa, bạn đi đâu mà lâu lắm bây giờ tôi mới gặp lại?”

Con rùa trả lời: “Ô, tôi vừa mới đi một chuyến du lịch trên mặt đất khô.”

Con cá nói: “Trên mặt đất khô? Bạn nói ‘trên mặt đất khô’ là có nghĩa gì? Làm gì có mặt đất khô. Tôi chưa bao giờ thấy mặt đất khô. Mặt đất khô chẳng là gì cả.”

Con rùa nói một cách tử tế: “Ô, nếu bạn muốn tin như vậy thì dĩ nhiên là bạn có quyền, không ai ngăn cấm bạn. Nhưng sự thật là tôi đã trở về đây từ mặt đất.”

Con cá nói: “Dù sao, tôi mong bạn hãy cố gắng nói chuyện một cách hợp lý. Hãy cho tôi biết mặt đất của bạn giống như thế nào? Nó có ướt không?

Con rùa trả lời: “Không, nó không ướt.”

Con cá hỏi tiếp: “Nó có mát mẻ và lạnh không?”

Con rùa trả lời: “Không, nó không mát mẻ và lạnh.”

“Nó có trong suốt tới độ ánh sáng có thể rọi qua không?”

“Không, nó không trong suốt và ánh sáng không thể rọi qua được.”

“Nó có phải là chất lỏng để tôi có thể bơi lội trong đó không?”

“Không, nó không phải là chất lỏng. Bạn không thể bơi lội ở trong đất.”

“Nó có trôi chảy trong những cái dòng không?”

“Không, nó không trôi chảy trong những cái dòng.”

Sau khi nghe con rùa liên tiếp trả lời “không,” con cá bồn chồn hỏi thêm một câu: “Nó có dâng lên thành những đợt sóng với bọt trắng không?”

Con rùa lại trả lời một cách trung thực: “Không! Tôi chưa bao giờ thấy nó dâng lên thành những đợt sóng.”

Tới đây con cá tỏ vẻ chiến thắng và nói: “Thấy chưa! Tôi đã bảo bạn rằng cái mặt đất khô đó của bạn chỉ là hư không. Tôi vừa mới hỏi bạn và bạn trả lời tôi rằng nó không ướt, cũng không lạnh, không trong suốt, không lỏng, không trôi chẩy trong dòng, và không dâng lên những đợt sóng. Nếu nó chẳng phải là cái gì trong số những điều vừa kể thì nó là gì khác hơn là hư không? Bạn đừng cãi nữa!”

Con rùa nói: “Thôi, thôi! Nếu bạn cứ nhất quyết nghĩ rằng mặt đất là hư không thì tôi thấy rằng bạn cứ việc nghĩ như vậy. Nhưng bất cứ ai biết nước là gì và đất là gì thì họ sẽ bảo rằng bạn chỉ là một con cá khờ khạo; bởi vì bạn nghĩ rằng bất cứ cái gì mà bạn chưa hề biết thì nó chỉ là hư không, chỉ vì bạn chưa bao giờ biết nó.”

Sau khi nói như vậy con rùa quay đi và bỏ lại con cá trong cái ao tù nhỏ bé của nó; rồi con rùa khởi hành một chuyến đi lần nữa trên đất liền, là thứ “hư không” đối với con cá.

Truyện ngụ ngôn đầy ý nghĩa trên đây cho chúng ta thấy rõ rằng dù con rùa đã biết rõ về cả mặt đất lẫn dưới nước, nhưng nó vẫn không thể nào giải thích với con cá về bản chất của mặt đất; và con cá cũng không thể nào hiểu được mặt đất là gì, bởi vì suốt đời nó chỉ sống ở dưới nước. Cũng giống như vậy, các vị A-La-Hán – biết rõ cả cảnh giới thế gian lẫn cảnh giới xuất thế gian – không thể giải thích cho một con người thế tục biết cảnh giới siêu thế tục là gì, bằng những ngôn từ thế tục; và con người thế tục cũng không thể hiểu được cảnh giới xuất thế gian bằng kiến thức thế tục.

Khi Đức Phật nói về những giai tầng khác nhau của sự sanh tồn ngài đặc biệt nhắc tới một “Cảnh Giới Vượt Ngoài Mọi Cảnh Giới” (Akincannayatana).

Khi mà Niết Bàn đã từng được chứng ngộ như là một trong những đối tượng tâm thức thì nhất thiết có nghĩa rằng nó chẳng phải là một cảnh giới hư vô. Nếu nó là hư vô thì Đức Phật đã chẳng mô tả trạng thái của nó như là “Vô Biên” (Ananta), “Vô Điều Kiện” (Asamkhata), “Bất Khả So Sánh” (Anupameya), “Vô Thượng” (Anuttara), “Tối Cao” (Para), “Siêu Việt” (Para), “Nơi An Trú Tối Thượng” (Parayana), “An Toàn” (Tana), “An Ninh” (Khema), “Hạnh Phúc” (Siva), “Duy Nhất” (Kevala), “Vô Trú Sở” (Analaya), “Bất Khả Hoại” (Akkhara), “Tuyệt Đối Thanh Tịnh” (Visuddha), “Siêu Xuất Thế Gian” (Lokuttara), “Bất Tử” (Amata), “Giải Thoát” (Mutti), “An Lạc” (Santi), v.v.

Trong các kinh sách Đức Phật nói tới Niết Bàn như sau:

“Này các Tì-Kheo, có một cảnh giới vô sanh, vô phát khởi, vô tạo tác, vô duyên khởi. Nếu không có cảnh giới vô sanh, vô phát khởi, vô tạo tác, vô duyên khởi này thì sự giải thoát của những cái hữu sanh, hữu phát khởi, hữu tạo tác, hữu duyên khởi không thể thực hiện được. Vì có cảnh giới vô sanh, vô phát khởi, vô tạo tác, vô duyên khởi, cho nên mới có giải thoát cho những cái hữu sanh, hữu phát khởi, hữu tạo tác, hữu duyên khởi.”

Vì vậy, Niết Bàn của Phật giáo chẳng phải là trạng thái hư vô cũng không phải chỉ là sự đoạn diệt. Người ta có thể xác quyết Niết Bàn không phải là những gì. Nhưng người ta không thể mô tả Niết Bàn một cách chính xác bằng ngôn từ thế tục, vì nó không giống thứ gì trên thế gian. Người ta phải tự chứng ngộ Niết Bàn.

Bình luận trên Facebook