Dâng hương cầu phúc lộc

Những ngày đầu năm mới, nhân dân thường kết hợp du xuân vãn cảnh với tiến hành các nghi lễ truyền thống, trong đó có cầu cúng. Để giúp độc giả phát tâm hướng thiện, tu nhân tích đức đạt hiệu quả cao nhất, chúng tôi xin giới thiệu những yêu cầu cơ bản và phương pháp tiêu chuẩn của phép dâng hương lễ Phật cầu phúc, cầu an…

Ý nghĩa lớn nhất của việc dâng hương lễ Phật là sự tôn kính, ngưỡng vọng công đức của Đức Phật đối với chúng sinh, nguyện vì chúng sinh giác ngộ, hướng thiện, tu thân chính đạo. Hai tay dâng nén hương trong sự sùng kính và tâm niệm như vậy thì đương nhiên “hữu cầu tất ứng”, chẳng cần sớ tấu, vái lạy hay bất kỳ lễ nghi rườm rà nào khác.

dâng hương cầu lộc 2016

Thắp hương lễ Phật là tâm nguyện rũ bỏ vinh nhục đời thường, tự thấy lòng mình thanh tịnh, như nhiên tự tại, vạn sự như mây khói, thả hồn về chốn niết bàn, nên không cần sớ tấu quỳ lạy, dâng lễ lớn bé phàm tục. Bởi vậy tiêu nhân mặc khách thỏa sức nhàn du, đầu năm lễ chùa không thắp hương mà tâm hương về cõi Phật, không cầu an mà tự nhiên an.

Cúng dàng lễ Phật, bồ tát có nhiều loại lễ vật, nhưng thông thường chỉ dùng hương hoa, phẩm quả. Hoa tươi là biểu thị “nhân”, quả tươi là biểu thị “quả” trong quan niệm “nhân – quả” của đạo Phật, cúng Phật chỉ cần hoa và quả. Nếu điều kiện không cho phép, chỉ dâng một chén nước trong biểu thị “thanh khiết, an bình” để cúng Phật là đủ, nhất thiết không tham rượu thịt, xôi chè thông tục. Trong 6 lễ vật cúng dàng đức Phật: Hương, hoa, đèn (nến), oản (phẩm), quả và âm nhạc (kinh), chỉ có 1 thứ cũng được.

Dâng hương biểu thị những ý nghĩa như sau: Thành tâm cúng dàng, tiếp dẫn chúng sinh; chuyển luân tín niệm trong pháp giới hư không, cảm ứng thập phương tam bảo; biểu thị thức tỉnh đệ tử Phật môn vô tư phụng hiến; biểu thị giới định chân hương, ngầm ý chuyên tâm tu giới, định – huệ – tức diệt tham – sân – si. Bởi Phật chẳng tham của tục trần giới hương đăng, chỉ mong chúng sinh chân tâm, định hương hướng Phật.

Dâng hương cầu tài liệu có được chăng? Câu trả lời chắc chắn là “được”. Kinh Phật dạy rằng “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”, nghĩa là cầu tài cần đúng phép đúng lí, nhà Phật gọi đó là “bố thí”. Nói một cách dễ hiểu hơn là muốn cầu tài cầu phúc, trước hết phải biết bố thí, trồng cây phúc đức. Bố thí là nhân, cầu tài cầu phúc là quả. Kinh Phật nói “từ bi hỷ xả (xá)” thì trong đó xả là “nhân”, đắc (được) là “quả”, cho nên được và mất chỉ là một mà thôi. Nói cụ thể hơn, phúc đức của mình là do mình làm ra, chẳng Phật nào cho cả. Vì thế kinh Phật mới nói: “Mệnh do mình tạo ra, phúc do mình tự cầu”.

Giải thích rõ hơn điều này bằng ví dụ về giá sữa: Vì mọi người đều muốn con mình thông minh hơn người khác (nhân), nên giá sữa ngày càng tăng (quả). Than ôi, sữa bò vốn là thứ nuôi bò con, người dùng sữa bò nào khác gì dùng rau cỏ hay loại thực phẩm cá, tôm nào đó. Nhưng vì ai cũng tham khôn, nên biến mình thành kẻ ngu si, không biết rằng sữa mẹ mới là tốt nhất cho con người. Về điểm này, phong thủy giải thích rằng “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, làm ngược với lẽ tự nhiên thì bất hòa. Tham con khôn nhưng chưa thấy khôn đâu, chỉ thấy tốn tiền, giá càng đắt thì càng nhiều kẻ làm giả, quản lí khó, đó là tự mình hại mình vậy.

Thắp hương lễ Phật cầu điều gì? Bỏ điều tà ác, lòng không ám bụi trần, đương nhiên nhận phúc lộc vô biên; bởi không tham thì không ai lừa được mình, bởi không tà thì ma quỷ không dám phạm, thế chẳng phải là bình an mạnh khỏe cả thân thể và tâm hồn hay sao. Cho nên lễ Phật cầu an không nên tự tư tự lợi, rắp tâm tổn hại kẻ khác, lợi cho mình; thành tâm chúc nguyện cho mọi người bình an may mắn, nguyện chúng sinh và toàn xã hội an bình thì công đức vô lượng. Đầu xuân vãn cảnh, lễ Phật, kinh Phật dạy rằng: “Lễ Phật một vái, diệt tội hà sa; niệm Phật một tiếng, phúc tăng vô lượng”.

Lễ Phật, bồ tát, thắp mấy nén hương? Thắp 3 nén hương là chuẩn nhất, nó biểu thị “giới – định – huệ”, tức là “tam vô lậu”; đồng thời biểu thị cúng dàng Phật – Pháp – Tăng (tam bảo). Kinh sách gọi việc thắp 3 nén hương là “trí tuệ văn minh”, ba nén hương thơm một lòng thành kính. Nhưng trong điều kiện chùa chiền đông đúc, không cần thắp hương, thành tâm niệm Phật đã đạt công đức vô lượng.

Chắp hương trên tay để bái Phật có đúng không? Không đúng! Thắp 3 nén hương, cắm nén thứ nhất ở giữa, tâm niệm “cúng dàng đức Phật, giác ngộ bất mê”, nén thứ hai cắm bên phải, tâm niệm “cúng dàng Pháp, chính nhi bất tà”, cắm nén thứ ba bên trái, tâm niệm “ cúng dàng Tăng, tịnh nhi bất nhiễm”. Thắp xong chắp tay kính tâm lễ Phật.

Ngoài ra, còn các giới luật cần phải tôn trọng, cao nhất là tâm niệm “việc ác quyết không làm, việc thiện quyết không bỏ”. Nguyện “không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói bừa, không say rượu” đó là ngũ giới, đồng thời không đi vào cửa chính, không đứng vái ở chính điện vì đó là vị trí lễ của trụ trì…

Phan Vũ

Bình luận trên Facebook